Thời gian qua, một vài đề xuất đánh thuế thu nhập từ lợi suất thu được từ lãi tiết kiệm đã gây ra một làn sóng tranh luận trong xã hội.
Thuế tiền lãi tiết kiệm: Có dễ “tận thu”?
Tranh luận bất phân thắng bại
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định. LS Đức đưa ra ví dụ một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồng, tức là cao hơn mức thu nhập chịu thuế hiện nay là 108 triệu đồng thì nên đánh thuế thu nhập.
Nguyên nhân đánh thuế này vì ông Đức cho rằng việc gửi tiết kiệm cũng giống như một khoản đầu tư chứng khoán, kinh doanh... Do đó việc đánh thuế thu nhập là một chuyện đương nhiên. Dù vậy, LS Đức cũng thận trọng khi đề xuất tỷ lệ đánh thuế nên ở mức thấp khoảng 5% trên số tiền lãi và với số tiền gửi tương đối lớn.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định đây là một thu nhập bình thường thì phải chịu thuế như bao thu nhập khác. Để củng cố cho lập luận này, ông Hiếu dẫn chứng ở Mỹ người dân đều phải đóng thuế từ thu nhập lãi suất ngân hàng nên việc này là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngược với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh lại không đồng ý với với việc đánh thuế vì cho rằng cần hạn chế các chính sách thuế khóa mang tính tận thu đối với người dân. Ông Tuấn lập luận việc hệ thống ngân hàng huy động tiền gửi của người dân và cho vay là đưa vốn vào nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển.
Cùng chung quan điểm này nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng nếu đánh thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm có thể làm cho người dân rút tiền, ngân hàng thiếu hụt vốn… Do vậy, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.
Quan trọng là nhà làm chính sách muốn gì?
Theo quy định hiện hành thì hiện nay lãi tiền gửi của các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) vẫn được tính chung vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Như vậy, thực chất thu nhập từ tiền lãi tiền gửi của doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế như bao thu nhập khác. Trong khi đó lãi từ tiền gửi của khu vực dân cư vẫn chưa phải chịu thuế thu nhập.
Theo số liệu của NHNN tính đến hết tháng 6/2017 thì tổng tiền gửi của khu vực dân cư khoảng 3,85 triệu tỷ đồng. Như vậy, giả sử với lãi suất số tiền gửi này trung bình khoảng 7%/năm thì tổng số tiền lãi cho khoản tiền gửi này là 269 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu đánh thuế thu nhập 10% đối với khoản này thì ngân sách nhà nước sẽ có thêm 27 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là một khoản không hề nhỏ và làm giảm bội chi ngân sách một cách đáng kể.
Về lý thuyết là vậy nhưng thực hiện “tận thu” thuế không dễ dàng. Bất kỳ một chính sách thuế nào đánh trực tiếp vào đa số người dân thì việc thông qua chắc chắn gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt khi mà rất nhiều người dân đang hoài nghi về tính hiệu quả, lãng phí trong việc chi tiêu công như hiện nay.
Đối với ngân hàng thì việc “đánh thuế” thu nhập tiền gửi của người dân cũng khiến họ quan ngại. Có thể người dân sẽ phản ứng bằng cách rút bớt tiền đầu tư khi mà thu nhập thực từ tiền gửi tiết kiệm giảm… Con số này có thể không quá lớn nhưng chắc chắn vẫn sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng. Việc đánh thuế này cũng sẽ tạo ra một mặt bằng lãi suất tiền gửi mới cao hơn hiện nay và sẽ làm cho lãi suất tiền vay tăng lên. Như vậy, rõ ràng hệ thống tài chính ít nhiều sẽ bị tác động tiêu cực.
Hiện nay nhiều quốc gia cũng đang đánh thuế thu nhập cá nhân từ tiền lãi tiết kiệm. Điều này cũng không có gì là bất thường vì số lãi này cũng giống như một khoản thu nhập của người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia không đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn. Về lý thuyết nếu đánh thuế thu nhập từ tiền lãi sẽ làm cho người dân có khuynh hướng tiêu dùng nhiều hơn và giảm tiết kiệm cho đầu tư.
Tại Việt Nam việc đánh thuế thu nhập từ lãi tiết kiệm cũng đã được đề xuất nhiều lần trước đó. Tuy vậy, phần lớn các đề xuất đều “cảm tính” chứ không dựa trên các số liệu thống kê, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ. Do đó những “lợi-hại” đối với nền kinh tế và người dân vẫn chưa thể xác được một cách rõ ràng. Một điều chắc chắn là nếu “tận thu” thì thu ngân sách sẽ tăng lên. Tuy vậy, về mặt “chính trị” cũng là một thử thách không nhỏ với các nhà làm chính sách.- CafeLand.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét